Khi có hỏa hoạn xảy ra, một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều đó là do chúng ta mất bình tĩnh nên không xử lý được tình huống. Do đó, điều quan trọng là phải thật sự bình tĩnh và thực hiện các biện pháp thoát hiểm ngay lập tức.
1. Cách xử lý khi phát hiện đám cháy :
– Khi phát hiện ra cháy, nhanh chóng thông báo, hô hoán cho mọi người biết về vụ cháy.
– Nhanh chóng ngắt điện nhà bị cháy (nếu có thể).
– Huy động thêm mọi người xung quanh di chuyển người trong nhà ra ngoài nơi an toàn.
– Gọi điện thoại cho lực lượng PCCC qua số 114. Nội dung cần thông tin: Địa chỉ khu vực xảy ra cháy; thông tin người bị nạn; đặc điểm của khu vực bị cháy (loại hình kinh doanh, chất cháy chủ yếu, vị trí, hướng phát triển của đám cháy); họ và tên, số điện thoại liên hệ.
– Cùng với mọi người sử dụng các vật dụng để chữa cháy (bình chữa cháy, dùng xô chậu múc nước, chăn thấm nước… ).
– Cử người đón lực lượng PCCC.
2. Cách xử lý khi bị bắt lửa vào quần áo
– Bình tĩnh, không hoảng sợ, dừng chạy ngay lập tức.
– Nằm nhanh xuống sàn nhà hoặc áp mình vào tường phía trước hoặc sau; không lấy tay dập lửa; không được nhảy ngay vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước nếu không chắc chắn đó là nơi an toàn vì nước có thể bị nấu sôi do lửa tác động.
– Một tay che miệng, một tay che mắt, mũi và tiếp tục cuộn tròn cho tới khỉ tắt lửa.
3. Cách xử lý khi thấy người khác bị cháy
– Trấn an giúp người đó không hoảng sợ, dừng chạy ngay lập tức.
– Dùng chăn chiên đã tẩm nước hoặc dùng các bình bột, chữa cháy, nước để dập tắt lửa.
– Đưa người bị cháy đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc, theo dõi tình hình sức khỏe.
4. Cách sơ cứu người bị ngừng thở
– Nếu nạn nhân ngừng thở nhưng mạch còn đập, tiến hành hô hấp nhân tạo sau đỏ kêu gọi sự hỗ trợ giúp đỡ và tiếp tục hô hấp cho đến khi nạn nhân bắt đầu tự thở được hoặc đến khi có người đến giúp đỡ.
– Nếu nạn nhân ngừng thở và mạch cũng ngừng đập phải tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực. Người cứu cần thực hiện 1 chu kỳ: 2 lần thổi ngạt sau đó ép tim 30 lần. Dừng lại để kiểm tra tim, phổi nạn nhân. Nếu nạn nhân tự thở được thì dừng thổi ngạt, tim mạch hoạt động lại thì dừng ép tim. Nếu chưa phục hồi thì vẫn cấp cứu theo chu kỳ trên cho đến khi nạn nhân phục hồi hoặc nhân viên y tế đến.
– Đưa đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc theo dõi tình trạng sức khỏe
5. Cách sơ cứu người bị bỏng
– Sử dụng nước sạch (nhiệt độ nước tốt nhất là từ 16 – 200 C để ngâm và rửa vết bỏng. Nên tận dụng các nguồn nước sẵn có như nước đun sôi để nguội, nước máy, nước mưa, nước giếng…
– Có thể ngâm, rửa phần bị bỏng dưới vòi nước hay trong chậu nước mát hoặc dội liên tục nước sạch lên vùng bỏng hoặc đắp thay đổi bằng khăn ướt.
– Kết hợp vừa ngâm rửa phần bị bỏng, vừa cắt bỏ quần áo bị cháy, rửa sạch dị vật hoặc tác nhân gây bỏng còn bám vào vết bỏng.
– Đưa đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc theo dõi tình trạng sức khỏe.
6. Cách sơ cứu người hít phải khói
– Đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, đến nơi có không khí trong lành, thoáng. Dập tắt lửa hay lửa cháy trên áo quần nạn nhân.
– Nếu nạn nhân bất tỉnh thì kiểm tra nhịp thở, mạch đập của nạn nhân và chuẩn bị hô hấp nhân tạo.
– Đặt nạn nhân ở tư thế hồi sức.
– Cho nạn nhân thở oxy nếu có sẵn và bạn đã được huấn luyện
– Chữa các vết bỏng hay các vết thương tích khác.
– Đưa đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc theo dõi tình trạng sức khỏe
7. Cách thoát nạn đám cháy trong nhà cao tầng
– Khi sống, làm việc, sinh hoạt trong tòa nhà phải để ý đến các đường lối, sơ đồ thoát nạn.
– Khi có cháy hãy thật sự bình tĩnh suy xét, đó là yếu tố quan trọng nhất.
– Dùng các thiết bị chữa cháy có sẵn dập tắt đám cháy. Nếu không dập được cháy hãy đóng cửa phòng bị cháy lại.
– Tìm các lối thoát nạn sẵn có theo đèn chỉ dẫn (hoặc nghe thông báo qua hệ thống truyền thanh). Có thể tìm lối thoát sang các phòng khác. Lưu ý hãy sử dụng cầu thang bộ hay theo lối có đèn EXIT để thoát nạn. Tuyệt đối không dùng thang máy vì khi xảy ra hỏa hoạn có thể nguồn điện bị ngắt, bạn sẽ bị kẹt trong đó.
– Trong quá trình thoát nạn nên thông báo cho những người khác ở các phòng lân cận biết.
– Khi di chuyển trong khu vực có nhiều khói phải cúi thấp người (đôi khi phải bò trên sàn) để khỏi bị ngạt vì khói luôn luôn bay lên cao. Nếu có điều kiện, hãy dùng khăn thấm nước che kín miệng, mũi sẽ giúp hạn chế hít phải khí độc.
– Nếu phải băng qua lửa thì ngoài việc dùng khăn thấm nước che miệng, mũi; phải dùng chăn, áo thấm nước ướt trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy thoát nhanh ra ngoài qua đám lửa để tránh bị cháy quần, áo gây bỏng da.
– Trước khi mở cửa phòng để đi ra ngoài hãy kiểm tra nhiệt độ trước khi mở (bằng cách sờ tay vào cửa). Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở.
– Khi mở cửa, nên tránh mặt, né người sang một bên đề phòng lửa tạt (để tránh tổn thương do hiện tượng chênh lệch áp suất). Khi còn ở trong phòng nếu thấy có khói lùa vào hãy dùng vải, giẻ ướt chèn kỹ các khe hở không cho khói tràn vào phòng.
– Nếu không tìm thấy lối ra cửa chính, hãy di chuyển ra ban công hoặc mở cửa sổ. Rồi từ ban công hoặc cửa sổ hãy hô to hoặc vẫy khăn (có thể đùng đèn flash của điện thoại di động khi trời tối) cho mọi người biết. Sau đó gọi ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy (số 114) để thông báo vị trí cụ thể của mình.
– Trong khi chờ đợi lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp, hãy tìm các phương tiện cứu nạn có sẵn trong tòa nhà được trang bị từ trước như thang, dây thoát hiểm để xuống.
– Hãy quan sát kỹ để tìm kiếm phương tiện thoát nạn như tấm rèm, ga xé dọc, quần áo gió buộc lại…
Trong quá trình thoát nạn đám cháy trong nhà cao tầng, người bị nạn tuyệt đối không hoảng hốt, nhảy từ trên cao xuống sẽ rất nguy hiểm. Có thể giúp đỡ những người xung quanh thoát nạn ra ngoài an toàn khi bản thân có đủ sức khỏe và tỉnh táo. Khi đã thoát ra ngoài tuyệt đối không được quay lại. Khi có lực lượng cứu hộ đến, cần phải tuân thủ theo đúng sự hướng dẫn của lực lượng PCCC chuyên nghiệp hoặc nhân viên hướng dẫn thoát nạn của tòa nhà.
8. Cách xử lý khi phát hiện có mùi gas trong nhà :
Khi phát hiện có mùi gas trong nhà tuyệt đối không bật công tắc điện, cầu dao, kể cả điện thoại di động… vì sẽ làm chập điện gây cháy nổ.
– Tìm cách mở hết tất cả các cửa nhẹ nhàng, tránh gây ma sát cửa cho khí gas thoát ra ngoài.
– Dùng quạt giấy hoặc dùng các vật liệu nhẹ quạt cho khí gas thoát ra ngoài, làm giảm nồng độ để không thể gây nổ, gây ngạt và ngộ độc gas.
– Sau đó tiếp cận và khóa van gas. Gọi điện cho nhà cung cấp gas đến xử lý.
– Khi phát hiện ngọn lửa cháy trên bình gas không được chạy, nếu chạy thì ngọn lửa của bình gas sẽ tạo nhiệt và gây cháy các vật xung quanh, hậu quả sẽ cực kì nghiêm trọng. Phải hết sức bình tĩnh tìm cách dập ngọn lửa trên bình gas. Dùng bình cứu hỏa xịt trực tiếp vào ngọn lửa hoặc dùng chăn ướt phủ lên ngọn lửa. Sau đó, dội nước liên tục làm nguội van bình gas. Van gas lúc này rất nóng nên không thể khóa lại được. Dùng vật tiếp xúc gián tiếp di chuyển bình gas ra nơi thoáng gió, tiếp tục dội nước đến khi khóa được van gas lại. Gọi điện nhà cung cấp gas đến xử lý nốt phần còn lại. Hãy yên tâm thực hiện các công đoạn này vì binh gas sẽ không nổ khi đã cháy.
9. Cách lắp đặt và sử dụng thiết bị điện để phòng, chống cháy nổ :
– Kiểm tra lắp đặt áptômát hoặc cầu dao điện tổng cho đường dây điện chính trong nhà và cho từng đường dây điện phụ, từng gian phòng và từng thiết bị điện có công suất lớn. Phải đặt thiết bị bảo vệ trước từng ổ cắm điện, dây chảy của cầu chì phải theo đúng tiêu chuẩn và phải phù hợp với công suất sử dụng, đảm bảo khi có chạm, chập điện thì dây chảy phải nổ, cắt ngay nguồn điện. Không dùng giấy bạc hoặc dây kim loại khác không phù hợp để thay thế dây chảy cầu chì, cầu dao, áptômát bị hỏng. Trang bị máy ổn áp để tránh hiện tượng gây cháy nổ do quá dòng, quá áp.
– Ngay từ ban đầu khi thiết kế lắp đặt phải tính toán và lựa chọn tiết diện của dây dẫn sao cho có đủ khả năng tải dòng điện đến các thiết bị tiêu thụ điện mà nó cung cấp. Điểm nối vào mạch rẽ ở hai đầu dây nóng và nguội không được trùng lên nhau, khi thấy nơi quấn băng của các điểm nối dây bị khô và cháy sáng thì phải kiểm tra ngay và nối chặt lại điểm nối. Đường dây dẫn điện, các cầu chì, cầu dao không để bị gỉ, nếu bị gỉ thì nơi gỉ là nơi phát nhiệt lớn và dễ phát lửa khi bị quá tải, cần được thay mới.
– Không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn. Không phơi, treo quần áo, khăn, mũ, tranh ảnh… trên các dây điện và bảng điện… Không cắm dây dẫn điện trực tiếp trên ổ cắm. Không dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây điện vì chỗ tiếp xúc sẽ bị ăn mòn. Không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu mắc điện tùy tiện, để hở các mối nối dây điện.
– Những thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà… quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để sửa chữa hoặc thay thế. Khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện nữa hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện. Bàn là, lò sưởi, bếp điện… phải đặt trên vật liệu không cháy và đúng nơi quy định. Phải thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh cho các thiết bị, dụng cụ điện.
– Để hạn chế nguy cơ gây cháy khi sử dụng các thiết bị như: Bàn ủi, bếp điện, các thiết bị gia nhiệt bằng điện trở phải có người trông coi hoặc các thiết bị phải được lắp hệ thông báo. Không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị bệnh tâm thần… sử dụng các thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà.
– Lắp đặt các thiết bị chiếu sáng phải gắn vào các móc treo chuyên dùng, không treo trực tiếp bằng dây dẫn và không dùng vật liệu cháy được như giấy, vải, nylon… để bao che bóng điện. Không đặt các chất gây cháy (gas, xăng, dầu, giấy…) gần các thiết bị, dụng cụ điện như: Đèn, bàn là, bếp điện, ổ cắm điện, bảng điện, chấn lưu đèn huỳnh quang v.v… Không lắp đặt ổ cắm điện trong nhà vệ sinh, nhà tắm.
– Thường xuyên kiểm tra các đầu nối của hệ thống điện (công tắc, ổ cắm, hộp đấu dây, mối nối trên đường dây), nếu có hiện tượng đánh lửa phải tách chúng ra khỏi nguồn điện và sửa chữa hoặc báo cho thợ điện đến sửa chữa. Đối với các loại thiết bị có sử dụng nguồn điện như ô tô, xe máy… khi đưa vào gara, nhà ở để bảo quản qua đêm nên ngắt hết các thiết bị tiêu thụ điện và rút chìa khóa ra khỏi ổ cắm đề phòng chạm chập gây cháy.
– Trước khi ra khỏi nhà phải tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện, đồ dùng điện và trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng như đèn, quạt…; cắt điện đối với các thiết bị điện không cần thiết.
Khi xảy ra cháy do sử dụng điện phải nhanh chóng cắt cầu dao điện tổng, báo cho mọi người xung quanh biết, báo Cảnh sát PCCC và dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa. Cấm dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện. Chỉ dùng nước để dập tắt đám cháy khi chắc chắn điện cấp cho căn nhà đã ngắt hoàn toàn và đi giày, ủng cách điện.
Để chủ động phòng, chống cháy nổ, mỗi hộ dân nên trang bị 1 đến 2 bình chữa cháy xách tay bằng khí (Co2, N2) chữa cháy điện khi mới phát sinh.